Chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo là giải pháp tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục huyện Tư Nghĩa
Lượt xem:
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 22/04/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày chuyển đổi số Quốc gia, lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số Quốc gia. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh. Trong đó, chuyển đổi số ngành giáo dục giáo dục làm đổi mới cách thức giảng – dạy truyền thống hướng tới phổ cập hóa và cá nhân hóa dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học. Triển khai thực hiện chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Tư Nghĩa.
Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong giáo dục, ngành giáo dục Tư Nghĩa cũng đã tiến hành tập huấn và triển khai nhiều giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học và quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Tư Nghĩa trong thời gian vừa qua. Sau đây, tôi xin phép được điểm qua một số kết quả đã đạt được của ngành giáo dục Tư Nghĩa trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Trong công tác quản trị số, trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Tư Nghĩa đã triển khai cho các đơn vị trực thuộc tiếp tục ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Cụ thể như:
– Triển khai hệ thống Quản lý văn bản và điều hành E-office của VNPT đến tất cả các đơn vị trực thuộc. (50/50 đơn vị, tỉ lệ 100%)
– Phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi tiến hành cấp hệ thống mail đuôi “*.quangngai.edu.vn” cho tất cả các đơn vị trường học công lập trên địa bàn huyện. (48/48 đơn vị, tỉ lệ 100%)
– Tham gia tập huấn và phối hợp triển khai phần mềm Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ngãi (quangngai.vnerp.vn) – 48/48 đơn vị, tỉ lệ 100%;
– Tiếp tục sử dụng các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý trường học như:
+ Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành giáo dục (csdl.moet.gov.vn) – 50/50 đơn vị, tỉ lệ 100%;
+ Phần mềm kế toán, quản lý tài sản (MISA, Ánh Mai, …) – 50/50 đơn vị, tỉ lệ 100%;
+ Phần mềm kiểm định chất lượng trường học của Viettel – 29/48 đơn vị, tỉ lệ 60,42%.
Về thực hiện các hoạt động số
– Đối với công tác tập huấn giáo viên trên hệ thống taphuan.csdl.edu.vn và đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên trên hệ thống temis.csdl.edu.vn, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi tiến hành cấp tài khoản cho tất cả cán bộ, giáo viên cấp tiểu học và THCS trong toàn huyện (31/31 đơn vị, tỉ lệ 100%).
– Các đơn vị Giáo dục thuộc huyện Tư Nghĩa hiện đang sử dụng Cổng/Trang thông tin chính thống được cấp cho đơn vị theo tên miền con của Sở Giáo dục và Đào tạo cấp theo tên miền www.xxxtn.quangngai.edu.vn (trong đó xxx là tên miền con) (48/48 đơn vị, tỉ lệ 100%). Ngoài ra, các đơn vị đã lập 29 trang fanpage để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động giáo dục của đơn vị trên không gian mạng facebook (29/50 đơn vị, tỉ lệ 58%).
– Duy trì hoạt động của trang thông tin điện tử Phòng Giáo dục và Đào tạo Tư Nghĩa (http://tunghia.quangngai.edu.vn/) và trang fanpage Giáo dục Tư Nghĩa (https://www.facebook.com/Giaoductunghia).
– Thực hiện ứng dụng các phần mềm vào công tác quản lý điểm, quản lý hồ sơ học sinh, cụ thể: phần mềm SMAS, Edu Online của Viettel, VnEdu của VNPT, phần mềm CSDL ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (50/50 đơn vị, tỉ lệ 100%). Qua đó bước đầu thực hiện hồ sơ điện tử cho học sinh trong huyện.
– Sử dụng phần mềm Edu Online của Viettel, VnEdu của VNPT, ứng dụng Zalo của Công ty Công nghệ Việt Nam trong việc liên lạc, thực hiện báo điểm đến cha mẹ học sinh (47/50 đơn vị, tỉ lệ 94%).
– Đã tiến hành tập huấn và triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các đơn vị trường học trên địa bàn huyện. Đến đầu năm 2024 đã có 50/50 trường triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, tỉ lệ 100%.
– Thực hiện Bồi dưỡng chính trị hè năm 2023 dành cho giáo viên với hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến với sự tham gia của gần 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục trên địa bàn huyện. Trong đó, điểm cầu chính (học trực tiếp) tại Hội trường UBND huyện Tư Nghĩa và 15 điểm cầu tại 12 xã, thị trấn, 2 trường THPT và 1 trường cao đẳng chuyên nghiệp trên địa bàn. Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của Ban tuyên giáo huyện uỷ Tư Nghĩa cũng như lãnh đạo các xã, thị trấn.
– Hầu hết giáo viên trong huyện đã làm quen với việc soạn giảng bằng phần mềm Microsoft PowerPoint, đồng thời vận dụng được các phần mềm phụ trợ vào quá trình soạn giảng như: Canva – công cụ chỉnh sửa hình ảnh, video; MindMaple – Công cụ vẽ sơ đồ tư duy; Geometer’s sketchpad – công cụ vẽ hình, dạy học hình học; các công cụ thí nghiệm vật lý, hóa học ảo; … Các đơn vị đang tăng cường việc giảng dạy theo hình thức STEM, STEAM, giúp học sinh có thể giải quyết được các vấn đề thực tiễn cũng như khám phá nhiều hiện tượng trong cuộc sống trực quan nhất.
– Hơn thế nữa, một bộ phận giáo viên đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin tạo các bài học E-Learning, giúp cho việc học của học sinh không còn gói gọn trong nhà trường mà có thể học tại bất kỳ đâu, trên tất cả thiết bị smart phone, smart tivi hoặc máy tính.
– Việc trau dồi kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành giáo dục huyện Tư Nghĩa đã được chú trọng. Được thể hiện qua việc tập huấn, học tập chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn huyện. Cụ thể:
+ 04 giáo viên được Microsoft công nhận là “Nhà giáo dục sáng tạo”;
+ 649 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên hoàn thành các chương trình bồi dưỡng chuyển đổi số trong giáo dục năm 2023;
+ 2.934 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên và 5.765 lượt học sinh hoàn thành các chương trình bồi dưỡng về kỹ năng số trên nền tảng trực tuyến tại Chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi năm 2023;
Về chuẩn hóa dữ liệu số, các trường trong huyện đã tiến hành chuẩn hóa dữ liệu giáo viên và học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành, thực hiện cập nhật đầy đủ thông tin CBQL, giáo viên, nhân viên, học sinh trên CSDL ngành và đồng bộ thông tin với CSDL Quốc gia về dân cư (50/50 đơn vị, tỉ lệ 100%). Ngoài ra, hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị được cập nhật đầy đủ tại phần mềm Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ngãi (https://quangngai.vnerp.vn/) (48/48 đơn vị, tỉ lệ 100%).
Về sử dụng kho học liệu mở, giáo viên các đơn vị đã hưởng ứng tích cực cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning, qua đó đóng góp vào kho học liệu mở chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phần lớn giáo viên các đơn vị tiểu học và THCS đều sử dụng dữ liệu được đưa lên kho học liệu mở tại trang web http://www.igiaoduc.vn/ và trang web https://hanhtrangso.nxbgd.vn/ (31/31 đơn vị, tỉ lệ 100%).
Với những kết quả đạt được như trên, có thể kể đến một số ưu điểm và hạn chế như sau:
Về ưu điểm:
– Ngành giáo dục huyện luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo sâu sát của Sở Giáo dục và UBND huyện; đồng thời luôn nhận được sự phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ các phòng, ban, đơn vị trong huyện.
– Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm đến công tác chuyển đổi số trong giáo dục, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo liên quan đến chuyển đổi số, đồng thời liên hệ với các công ty có uy tín với công tác chuyển đổi số trong giáo dục trong và ngoài tỉnh để chia sẻ các cách làm hay, phương pháp mới về chuyển đổi số.
– Cơ sở hạ tầng CNTT tại các đơn vị trường học tương đối đảm bảo, các trường bậc phổ thông đều có giáo viên Tin học, nên việc tiếp cận chuyển đổi số trong giáo dục nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu đề ra.
– Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục toàn huyện luôn nêu cao tinh thần tự học, tự rèn; thường xuyên tự trau dồi kỹ năng CNTT, tiếp cận nhanh nhất với các hạng mục chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Về hạn chế
– Việc thực hiện ứng dụng các phần mềm vào công tác quản lý điểm, quản lý hồ sơ học sinh tại cấp THCS chưa thống nhất sử dụng phần mềm SMAS theo hướng dẫn tại Công văn 1611/SGDĐT-GDTrH ngày 14/9/2022 dẫn đến việc đồng bộ dữ liệu bậc trung học lên cấp huyện (Phòng Giáo dục) và cấp tỉnh (Sở Giáo dục) chưa được liên thông.
– Việc sử dụng học bạ điện tử vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện. Cấp THCS còn 6/13 đơn vị (tỉ lệ 46,15%), cấp tiểu học còn 19/19 đơn vị (tỉ lệ 100%) chưa sử dụng học bạ điện tử.
– Việc cập nhật tin tức lên các trang thông tin điện tử tại các đơn vị trường học còn ít, nội dung thông tin chưa có chiều sâu.
– Các trường đều chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT (đặc biệt là bậc học mầm non). Điều này phần nào ảnh hưởng đến quá trình triển khai, khai thác lĩnh vực chuyển đổi số trong trường học.
– Kỹ năng ứng dụng CNTT của một số cán bộ, viên chức chưa đồng đều, kỹ năng còn hạn chế, thao tác còn chậm. Điều này dẫn đến việc ứng dụng CNTT trong quá trình dạy học còn hạn chế.
– Một số địa phương có phụ huynh, học sinh là người dân tộc thiểu số (tập trung ở xã Nghĩa Sơn, thôn 1, thôn 2 xã Nghĩa Thắng), việc tiếp cận với CNTT còn hạn chế. Một phần cha mẹ học sinh chưa sử dụng tài khoản ngân hàng, nên việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt chưa đồng bộ.
Từ đó, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, cần nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của Chi bộ đảng, Ban giám hiệu các đơn vị trường học trong việc thực hiện công tác chuyển đổi số trong giáo dục.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, vận động, triển khai đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, cha mẹ học sinh và học sinh tại đơn vị nắm được các đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước về chuyển đổi số trong giáo dục, cũng như các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Ba là, cần tăng cường công tác xã hội hoá trong giáo dục để bổ sung cơ sở hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi số.
Một số giải pháp quan trọng cần thực hiện trong thời gian đến gồm:
– Thực hiện nghiêm túc Công văn 1611/SGDĐT-GDTrH ngày 14/9/2022, đảm bảo 100% trường THCS sử dụng phần mềm SMAS nhằm việc đồng bộ dữ liệu cấp THCS lên cấp huyện (Phòng Giáo dục) và cấp tỉnh (Sở Giáo dục).
– Phấn đấu đến năm học 2024 – 2025, 100% trường THCS và 40% trường tiểu học sử dụng học bạ điện tử (theo Công văn số 317/PGDĐT ngày 24/11/2022).
– Truyền thông nâng cao nhận thức của các đơn vị, cơ sở giáo dục (nhất là người đứng đầu của đơn vị), cộng đồng về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
– Tiếp tục triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện.
– Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Đề án 06/CP của Chính phủ. Tập trung tuyên truyền việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, đăng ký và cài đặt tài khoản VssID, đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, …
– Tiếp tục triển khai tập huấn các phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực sẵn có tại các đơn vị để tạo nền tảng cho các quy trình, ứng dụng mới.