Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục huyện Tư Nghĩa

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, giáo dục là một trong những ngành được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số đầu tiên.

          Trong những năm gần đây, để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, ngành Giáo dục huyện Tư Nghĩa đã tập trung vào ba mảng chủ yếu sau đây: đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới trong quản lý giáo dục và sử dụng công nghệ trong lớp học.

Về đổi mới phương pháp giảng dạy:

          Hiện nay, hầu hết giáo viên trong huyện đã làm quen với việc soạn giảng bằng phần mềm Microsoft PowerPoint, đồng thời vận dụng được các phần mềm phụ trợ vào quá trình soạn giảng như: Canva – công cụ chỉnh sửa hình ảnh, video; MindMap – Công cụ vẽ sơ đồ tư duy; Geometer’s sketchpad – công cụ vẽ hình, dạy học hình học; các công cụ thí nghiệm vật lý, hóa học ảo; …

          Hơn thế nữa, một bộ phận giáo viên đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin tạo các bài học E-Learning, giúp cho việc học của học sinh không còn gói gọn trong nhà trường mà có thể học tại bất kỳ đâu, trên tất cả thiết bị smart phone, smart tivi hoặc máy tính.

          Hiện nay, các đơn vị đang tăng cường việc giảng dạy theo hình thức STEM, STEAM, giúp học sinh có thể giải quyết được các vấn đề thực tiễn cũng như khám phá nhiều hiện tượng trong cuộc sống trực quan nhất.

Quan cảnh buổi tập huấn chuyển giao phần mềm hỗ trợ dạy học tại trường THCS Nghĩa Trung

Về đổi mới trong quản lý giáo dục:

          Việc chuyển đổi số trong quản lý giáo dục hiện đang được các đơn vị trường học trên địa bàn huyện triển khai thực hiện nhanh chóng và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Có thể kể đến một số lĩnh vực như:

– Sử dụng đồng bộ hệ thống mail *@quangngai.edu.vn, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành của VNPT để luân chuyển các văn bản giữa các cấp.

– Sử dụng phần mềm quản lý điểm (SMAS, VnEdu) và phần mềm CSDL ngành của Bộ Giáo dục để quản lý điểm và quản lý thông tin của học sinh.

– Bước đầu triển khai các phần mềm quản lý kế hoạch bài dạy tại các đơn vị trường THCS trên địa bàn huyện.

– Sử dụng phầm mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ngãi để quản lý cán bộ, giáo viên tại các đơn vị trường học.

– Sử dụng phần mềm phổ cập giáo dục thống nhất từ cấp trung ương đến cấp xã, thị trấn.

– Sắp đến, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ trang bị camera giám sát cho hầu hết các đơn vị trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện với tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng. Góp phần tích cực trong việc giám sát, ổn định kỷ cương, nề nếp tại các đơn vị.

Bộ phận CNTT trường THCS Nghĩa Thuận đang tập huấn sử dụng ứng dụng VNeID cho Cán bộ, Giáo viên nhà trường

Về tăng cường sử dụng công nghệ trong lớp học:

          Trong năm học 2022 – 2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tiến hành mua sắm trang thiết bị, tăng cường về các đơn vị trường học. Trong đó có nhiều trang thiết bị hỗ trợ trực tiếp cho quá trình dạy học trên lớp như smart tivi, bảng tương tác, máy chiếu đa năng. Đảm bảo đa số các đơn vị trường học điều có thiết bị tương tác góp phần chuyển đổi số trong dạy học.

          Cùng với việc đầu tư của ngành, chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng mang lại những khởi sắc cho việc chuyển đổi số của huyện nhà. Trong năm 2022, chương trình đã cấp cho các em học sinh nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện 418 thiết bị máy tính có tích hợp các phần mềm hỗ trợ học tập, góp phần đưa chuyển đổi số đến gần hơn với các em học sinh khó khăn.

Bên cạnh những kết quả chuyến biến tích cực, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể:

Thứ nhất, quá trình tiếp cận về kiến thức trực tuyến ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn: đối với khu vực xã Nghĩa Sơn, thôn 1, thôn 2 xã Nghĩa Thắng, hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được đảm bảo, gây ảnh hưởng lớn đến công tác về quản lý giáo dục trong dạy và học. Đây chính là vấn đề phải ưu tiên khắc phục giúp triển khai thành công và đặc biệt là nhu cầu dạy và học trực tuyến khi điều kiện học trực tiếp không cho phép.

Thứ hai, một số phần mềm ứng dụng tại các đơn vị chưa đồng bộ, còn chồng chéo: để đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số trong quản lý, cần có sự thống nhất dữ liệu từ cơ sở. Tuy nhiên, việc sử dụng các phần mềm tại một vài đơn vị còn chưa có sự đồng bộ. Từ đó, gây ra tình trạng không đồng nhất về tổng hợp số liệu.

Với những hạn chế, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, ngành Giáo dục huyện Tư Nghĩa tiếp tục đề ra một số giải pháp như:

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục: thực hiện nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng giáo viên, cán bộ quản lý của nhà trường để nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Hai là, hoàn thiện, đồng bộ cơ sở dữ liệu trong giáo dục: tiếp tục triển khai thống nhất hệ thống phần mềm từ cơ sở, tạo điều kiện tối đa cho việc chuyển đổi số.

Ba là, xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ: Tăng cường mua sắm trang thiết bị tại các đơn vị trường học; nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho từng giáo viên, cán bộ quản lý của nhà trường./.